Cùng con khôn lớn: Con
không có chính kiến vì bố mẹ luôn luôn đúng
GD&TĐ - Sự áp
đặt bố mẹ luôn luôn đúng đã khiến cho đứa trẻ không còn tin tưởng vào chính
kiến của mình.
Trong một lần đi đón con, tôi tình cờ nghe được cuộc nói
chuyện của hai đứa trẻ đang chờ bố mẹ đến đón ở cổng trường.
- Tớ nghĩ, cậu nên thay cái cặp sách này. Năm nay, lớp bọn mình
học ở tầng ba, cậu dùng cặp sách đeo vai như tớ tiện hơn là cặp sách kéo kia,
lên cầu thang sẽ dễ hơn.
- Không, bố mẹ tớ bảo cặp sách nặng thì nên dùng cặp kéo,
nếu dùng cặp đeo sẽ bị còng lưng.
- Đúng thế nhưng không phải lúc nào cặp kéo cũng tiện lợi, nhất
là khi phải leo cầu thang.
- Ở nhà tớ, bố mẹ nói cái gì cũng đúng. Vì vậy, tớ lúc nào cũng
phải nghe theo bố mẹ hết.
- Có phải bao giờ bố mẹ cũng đúng hết đâu, bố mẹ tớ đã phải nghe
theo tớ và đổi cặp cho tớ đấy.
Cậu bé kia vẫn một mực cho rằng bố mẹ đã nói thì không bao giờ
sai, do đó bản thân em không thể đưa ra ý kiến khác.
Rõ ràng, cậu bé thứ nhất nói đúng, chiếc cặp kéo đã không còn
phù hợp khi lớp học ở tầng trên. Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn bắt gặp cậu bé sử
dụng chiếc cặp kéo. Điều đó có nghĩa, cậu vẫn phải chấp nhận xách chiếc cặp
nặng ấy lên mấy tầng cầu thang mà không dám nói ra ý kiến về việc sử dụng cặp
đeo vai, chỉ vì lời nói của bố mẹ luôn đúng.
Tôi đã suy nghĩ nhiều
về câu chuyện của hai cậu bé nọ. Tại sao trước một việc thuận tiện cho mình,
cậu bé kia vẫn không dám nói ra cho bố mẹ biết. Điều đó cho thấy, sự áp đặt bố
mẹ luôn luôn đúng đã khiến cho đứa trẻ không còn tin tưởng vào chính kiến của
mình. Điều này đáng để suy ngẫm cho nhiều bậc làm cha mẹ có nên áp đặt suy nghĩ
của mình lên con trong mọi hoàn cảnh không.